Đặc trưng cách nấu hủ tíu Nam Vang – Mỹ Tho – Sa Đéc
Hủ tiếu là món ăn mang đậm phong vị Nam bộ với vị ngọt, mặn, chua, cay vừa miệng. Nước dùng hầm xương ngọt thanh hòa quyện vị mặn của xì dầu thêm chút vị chua, cay của chanh, ớt. Các loại rau sống ăn kèm phong phú như giá, hẹ, xà lách, tần ô (cải cúc), cần tây.
Hủ tiếu rất thích hợp để lót dạ vào buổi sáng hay tối muộn bởi tô nước lèo nóng hổi, mùi hành phi thơm phức. Gắp một đũa hủ tiếu đưa lên miệng thực khách sẽ cảm nhận ngay sợi bánh vừa dai vừa mềm, ăn hết một tô vừa đủ no mà không ngấy.
Kể từ khi hủ tiếu xuất hiện cho đến nay đã có vô số biến thể từ món hủ tiếu ban đầu. Tuy nhiên ba loại hủ tiếu được nhiều người biết tới vẫn là hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Sa Đéc. Mỗi loại hủ tiếu lại có cách nấu khác nhau tạo ra hương vị đặc trưng.
Đặc trưng cách nấu hủ tiếu Nam Vang

Phải khẳng định ngay, hủ tiếu Nam Vang là anh cả trong số ba anh em nhà hủ tiếu bởi lịch sử lâu đời và là nguồn cảm hứng sáng tạo ra hai loại hủ tiếu còn lại. Hủ tiếu Nam Vang có nước lèo hơi béo, khi dùng sẽ có mùi thơm của xì dầu. Thành phần trong một tô hủ tiếu hết sức phong phú gồm bánh hủ tiếu, thịt heo, tôm, trứng cút, tim, gan, phèo hoặc bao tử heo. Đặc điểm để nhận biết hủ tiếu Nam Vang so với các loại hủ tiếu khác nằm ở khâu chuẩn bị nước lèo. Nước lèo phải đảm bảo vị ngọt thanh, hơi ánh vàng của nước béo nhưng vẫn trong vắt không gợn bọt. Người nấu thường dùng xương ống hầm với khô mực hoặc tôm khô trên lửa nhỏ và vớt bọt liên tục.
Chủ quán hủ tíu Nam Vang chính gốc thường là người Việt từ Campuchia về lập nghiệp tại Sài Gòn những năm 1970. Lò hủ tíu Nam Vang cũng do người Việt từ Campuchia về mở ở Củ Chi. Các tiệm hủ tíu Nam Vang lâu đời tại Sài Gòn phải kể đến như tiệm Hồng Phát, tiệm Liến Húa ở quận 3, tiệm Kim Tháp ở quận 10 và tiệm Ty Lum ở quận 5, Hồ Chí Minh.
Đặc trưng cách nấu hủ tíu Mỹ Tho

Hủ tíu Mỹ Tho nổi danh được làm từ loại gạo thơm Gò Cát của Tiền Giang, sợi to và trong. Hủ tíu tại đây còn được gọi là hủ tíu dai vì khi bánh hủ tíu chần nước sôi vẫn rất dai, mềm chứ không bở. Nước lèo có độ trong, ngọt thanh do hầm từ xương ống nhưng không có nước béo như hủ tíu Nam Vang.
Chủ tiệm hủ tíu Mỹ Tho chính gốc thường là người Việt gốc Hoa, còn bánh hủ tíu thì lấy từ lò của người Việt. Nổi tiếng nhất trong các nơi bán hủ tíu Mỹ Tho là quán hủ tíu – bánh bao Cả Cần ở quận 5, Hồ Chí Minh.
Đặc trưng cách nấu hủ tíu Sa Đéc

Sa Đéc có sợi hủ tíu rất dễ nhận biết bởi sợi bánh to, trắng đục, dai mềm. Hủ tíu là một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng bột Tân Phú Đông được ưa chuộng. Ngoài hủ tíu nước thông thường, Sa Đéc còn được biết đến với món hủ tíu khô vô cùng hấp dẫn. Để làm món này, người nấu phải trụng bánh qua nước sôi rồi cho ra dĩa, rưới thêm nước xốt làm từ xì dầu, mỡ tỏi phi. Khi ăn thực khách gắp thêm miếng ớt, vắt miếng chanh rồi trộn đều cho sợi hủ tíu thấm hương vị, đậm đà màu nước xốt. Ăn kèm với hủ tíu khô là chén nước dùng trong vắt, điểm thêm vài cọng hẹ, tôm khô và khô mực vụn lắng dưới đáy.
Trước 1975, những quán hủ tíu nổi tiếng tại Sa Đéc phải kể đến quán Chú Cá, Chí Thành, Chí Ký, Lãnh Nam, Văn Dĩ, Bà Năm Sa Đéc, Bà Sẩm,…
Như vậy, mỗi loại hủ tíu có những đặc điểm riêng tùy theo văn hóa, điều kiện tự nhiên và khẩu vị của người dân từng vùng. Hủ tíu tưởng chừng là một món ăn bình dân nhưng lại chứa đựng tinh túy ẩm thực của nhiều quốc gia khiến ai đã ăn một lần nhớ mãi không quên.
Ngày 16/06/2020
Người Sa Đéc